vệ sinh cuống rốn

Dây rốn dùng để tiếp chất dinh dưỡng và oxy từ nhau thai nằm ở thành tử cung của mẹ. Sau khi em bé được sinh ra, dây rốn này sẽ được cắt bỏ đi và để lại 1 gốc rốn hay còn gọi là cuống rốn. Cuống rốn này sẽ khô và rụng đi trong vòng từ 10-21 ngày sau. Sau khi rụng, nơi đó sẽ để lại một vết nhỏ và sẽ lành lại sau vài ngày.

Khi cắt dây rốn, bác sĩ sẽ lau dây rốn của bé bằng thuốc khử trùng. Sau khi dây rốn đã được cắt, để giữ cho cuống rốn của bé không bị viêm nhiễm, các bà mẹ cần lưu ý rằng khi chưa rụng, cuống rốn cần được giữ sạch và khô. Bạn cần quấn tã của bé bên dưới cuống rốn hoặc dùng loại tã có lỗ hở ở rốn để nó có thể tiếp xúc với không khí bên ngoài, tăng tốc độ làm khô. Khi cho bé mặc áo, bạn nên dùng áo rộng, tránh loại áo bó sát cơ thể bé khi cuống rốn chưa rụng.

Một điều nữa bạn cần chú ý đó là khi cuống rốn sắp đứt, dù trông nó rất lỏng lẻo và chỉ còn gắn kết với rốn của bé một chút xíu bạn cũng không được dùng mọi cách để cố gắng làm cho nó đứt ra. Hãy để mọi việc diễn ra 1 cách tự nhiên nhất.
Bạn có thể sử dụng bông hoặc gạc có thấm 1 chút cồn để sát khuẩn đáy rốn của bé từ 1-2 lần/ngày cho đến khi cuống rốn rụng. Nếu dùng cồn để vệ sinh sẽ hạn chế được mùi và rỉ nhớt dính từ rốn bé. Tuy nhiên cách này sẽ làm cho quá trình rụng cuống rốn lâu hơn vài ngày so với để tự nhiên.

Khi cuống rốn chưa rụng, bạn tránh không nên để bé ngâm nước quá lâu bởi để nước thấm vào cuống rốn nhiều sẽ dễ gây nhiễm trùng. Cách tắm tốt nhất đó là lần lượt tắm từng bộ phận trên cơ thể bé thay vì đặt cả người bé vào bồn. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng khăn ướt vệ sinh cơ thể bé và tránh phần rốn. Trước khi tắm cho bé, hãy rửa tay của bạn thật sạch bằng xà bông để không cho vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể bé, rất dễ dẫn đến nhiễm trùng cuống rốn và làm tăng nguy cơ của bệnh uốn ván ở trẻ.

Sau khi tắm cho bé xong, bạn hãy khử trùng tay bằng cồn 70 độ để thay băng rốn cho bé. Hãy dùng dung dịch sát khuẩn Povidine để lau rốn bé trước khi băng rốn bằng cách nhúng bông vô khuẩn vào dung dịch. Bạn không được băng rốn quá chặt, như vậy sẽ dễ gây ra nhiễm trùng mà lại làm cho bé cảm thấy khó chịu. Băng rốn cần dùng loại sạch, mỏng cùng bông thấm nước vô khuẩn.

Khi thấy rốn của bé có hiện tượng tấy đỏ, hoặc loét, có mùi hôi thì phải đưa bé tới bác sĩ để khám và chữa ngay.
Tóm lại, việc cuống rốn của bé bị viêm nhiễm sẽ dẫn tới bé bị mắc nhiều bệnh nguy hiểm. Do đó các bà mẹ cần thận trọng giữ gìn và vệ sinh rốn cho bé tới khi cuống rốn rụng để đảm bảo sức khỏe cũng như tạo cho bé cảm giác thoải mái nhất.